TAND tỉnh Quảng Bình đã phạt Sơn 18 năm tù, Giáp 14 năm tù và Tuân 10 năm tù. Đến lúc này, cô gái mới cay đắng bởi mình như nàng Mỵ Nương xưa, vì yêu mà vô tình dẫn “Trọng Thủy” vào nhà, không những đánh cắp tài sản của cha mẹ cô mà còn “lấy” luôn đời con gái của cô. Đứa con cô sinh ra một nửa là máu thịt của “người đó”, nay thương hay giận “người ấy”?
Người dân phường Đồng Phú, được một phen “mắt tròn mắt dẹt” trước tin động trời.
Két sắt cất kỹ trong phòng ngủ của vợ chồng bà Hoàng Thị Liễu (59 tuổi, ngụ đường Hai Bà Trưng TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chứa 24 lá vàng, 82 nhẫn vàng, 2 dây chuyền vàng cùng 30 triệu đồng tiền mặt… “không cánh mà bay”. Tổng giá trị tài sản bị lấy cắp gần 1,5 tỷ đồng. Trớ trêu thay, Vợ chồng khổ chủ được phen dở khóc dở mếu, vì một trong ba đối tượng bị công an “tóm” trong vụ mất két sắt gần 1,5 tỷ đồng lại chính là chàng rể tương lai, “tác giả” bào thai trong bụng cô con gái rượu của họ.
“Mỵ Châu” dẫn “Trọng Thủy” về nhà?
Tình yêu đến với Đinh Thị Thu Phương (con gái vợ chồng bà Liễu - thật tự nhiên, khi cô được chàng thanh niên Đinh Quốc Giáp (23 tuổi, ngụ thôn Phú Hữu, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tướng mạo khôi ngô tuấn tú săn đón, tỏ tình.
Giáp là con thứ mười trong gia đình có 11 anh chị em, cha mẹ già cả. Học hết trung học phổ thông Giáp đi làm thuê. Tình yêu san lấp khoảng cách giàu nghèo. Dù hoàn cảnh gia đình Giáp khó khăn, Phương vẫn một lòng một dạ trao thân gửi phận, tính chuyện ăn đời ở kiếp. Bằng chứng là một mầm sống, giọt máu chung của cặp đôi ngày càng lớn dần lên trong bụng Phương. Gia đình thiếu nữ đã tính chuyện cưới xin, cho con gái và con rể đất làm nhà, chuẩn bị đón cháu ra đời, xây dựng tổ ấm.
Đùng một cái, nhà Phương bị kẻ gian cuỗm mất chiếc két sắt đựng toàn bộ tài sản trị giá gần 1,5 tỉ đồng và những giấy tờ quan trọng, cất kỹ trong phòng ngủ của cha mẹ Phương. Không bao lâu sau đó, gia đình Phương một mặt mừng rỡ vì công an tóm được kẻ gian, thu hồi phần lớn của cải đã mất, mặt khác lại dở khóc dở cười vì một trong những kẻ bị công an tóm lại chính là Giáp, chú rể tương lai của gia đình, tác giả bào thai mà Phương đang mang trong bụng.
Theo điều tra, biết Phương và Giáp có mối quan hệ yêu đương, Phạm Minh Sơn (anh rể Giáp đang làm ăn tại Lào) gọi điện thoại về hỏi Giáp gia đình Phương có két sắt không để “thó”. Từng có lần vào phòng ngủ của cha mẹ người yêu, thấy lù lù một chiếc két sắt nên Giáp thông báo với Sơn điều này. Sơn và Giáp bàn với nhau tìm cách làm chiếc két sắt “bốc hơi”.
Để thực hiện phi vụ này, Sơn rủ thêm Phạm Văn Tuân là bạn làm ăn ở Lào cùng thực hiện. Đầu năm 2013, Sơn và Tuân từ Lào về Việt Nam mang theo túi đựng công cụ cạy két sắt, đồng thời Sơn chỉ đạo Giáp theo dõi nhà bà Liễu, đợi cơ hội “vườn không nhà trống” sẽ hành sự.
Một ngày đẹp trời tháng 3/2013, khi Giáp và Phương đang tình tự bên nhau tại quán cà phê, Sơn gọi điện bảo Giáp tìm cách lấy chìa khóa nhà bà Liễu đem “copy” thành bản khác. Biết người yêu thường để chìa khóa nhà và khóa cổng dưới cốp xe máy, Giáp vờ mượn xe máy Phương đi có việc, sau đó đến gặp Sơn đưa bộ chìa khóa để Sơn đi cắt một bộ khác.
Theo chỉ dẫn của Giáp, Sơn vẽ lại sơ đồ cấu trúc ngôi nhà bà Liễu và vị trí để két sắt, chuẩn bị thực hiện vụ trộm. Hoàn thành “kịch bản”, Giáp lại trở về tiếp tục tâm sự với người yêu.
Một tháng sau, Phương thủ thỉ với người yêu hôm sau mẹ của mình sẽ về quê ngoại còn bố và em trai về quê nội. Giáp liền gọi điện thoại cho Sơn thông báo điều này. Trưa hôm đó, Giáp “điều” người yêu ra khỏi nhà bằng cách gọi điện thoại cho Phương bảo cô ra ngân hàng chuyển cho Giáp 1 triệu đồng.
Phương đến ngân hàng, Giáp lại cố tình đọc sai số tài khoản. Khi người yêu bảo đọc số chứng minh nhân dân, Giáp cũng “vô ý” đọc sai luôn. Giáp nói với cô gái nhẹ dạ, lúc nào Giáp nhận được tiền, hãy rời ngân hàng, mục đích giữ chân Phương để đồng bọn thực hiện hành vi trộm két sắt. Tuy nhiên, khi Sơn và Tuân đang lúi húi mở khóa nhà thì cũng là lúc Phương về đến nơi, hô hoán. Cả hai cuống quýt chạy tháo thân.
Không hề nghi ngờ điều gì, sáng hôm sau, cô gái nhẹ dạ rủ người yêu đi ăn sáng, uống cà phê. Sau khi chở Giáp về phòng trọ của Giáp, Phương về nhà lấy máy vi tính mang qua phòng trọ của người yêu. Lợi dụng thời gian “vàng” này, với chùm chìa khóa thử sẵn, Sơn và Tuân đột nhập vào phòng ngủ của cha mẹ Phương, ra tay “nẫng” két sắt.
TAND tỉnh Quảng Bình đã phạt Sơn 18 năm tù, Giáp 14 năm tù và Tuân 10 năm tù. Đến lúc này, cô gái mới cay đắng bởi mình như nàng Mỵ Nương xưa, vì yêu mà vô tình dẫn “Trọng Thủy” vào nhà, không những đánh cắp tài sản của cha mẹ cô mà còn “thó” luôn đời con gái của cô. Đứa con cô sinh ra một nửa là máu thịt của “người đó”, nay thương hay giận “người ấy”?
Bị cáo đòi cắn lưỡi tự vẫn
Tuy nhiên, những ngày tháng ở trong trại tạm giam và trước vành móng ngựa tại phiên tòa sơ thẩm, Giáp một mực kêu oan. Theo Giáp, tất cả tội trạng của Giáp chỉ là quy kết của các cơ quan tố tụng. Bị cáo cho rằng chỉ vô tình mách nhà bạn gái ở đâu và “khoe” nhà bạn gái giàu, khi Sơn (anh rể Giáp) hỏi về những điều này. Chứ Giáp hoàn toàn không biết ý đồ của anh rể hỏi là để trộm cắp, càng không có việc thực hiện các thủ đoạn đưa chìa khóa nhà người yêu và giữ chân Phương cho hai người kia hành sự.
Chị Đinh Thị Thơm, chị ruột Giáp phân bua: “Em trai tôi trả lời như vậy cũng là lẽ thường tình. Nó cứ nghĩ anh rể quan tâm mà hỏi thăm, thì trả lời vậy thôi”. Theo chị Thơm, khi được phép vào trại tạm giam thăm Giáp, chị cũng đã “hỏi nhỏ” chỗ chị em ruột thịt, Giáp phải nói thật cho chị biết mình có “làm” không?
Chị Thơm cho hay em trai mình liên tục kêu oan từ ngày bị bắt
Ai ngờ Giáp khóc lóc bảo: “Ngay cả chị mà cũng không tin em thì còn ai tin em”. “Bởi vậy nên tôi mới tìm thuê luật sư cho nó. Vậy nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm, quan điểm của luật sư cũng… công nhận Giáp có tội, chỉ xin giảm mức hình phạt”.
Thương cha mẹ già yếu, thương đứa em ngày đêm khóc lóc “kêu trời” rằng mình bị oan, người phụ nữ suốt ngày chỉ biết buôn bán mớ cá vụn vặt ngoài chợ, bươn bả tìm luật sư giỏi ở TP. Huế, hi vọng có thể bảo vệ cho đứa em tránh bị kết tội oan trong giai đoạn xét xử phúc thẩm sắp tới.
Dù nghèo khổ, chị cũng cố chạy vạy vay mượn tiền bạc tìm luật sư, may ra làm sáng tỏ được sự thật, giải oan cho em trai. Là ruột thịt, chị tin tưởng em mình. Nhưng công an, viện kiểm sát, tòa án, thậm chí là luật sư do chị thuê để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đứa em đều khẳng định, em trai chị có tội, khiến niềm tin của chị có lúc cũng bị lung lay.
Dù đã mời luật sư khác, nhưng mới đây vào trại tạm giam thăm em, chị không quên “thử” Giáp lần nữa. Chị Thơm vờ nói với Giáp, vị luật sư mới, sau khi được tòa án cấp phúc thẩm hoàn tất mọi thủ tục pháp lý, đã tiếp xúc hồ sơ vụ án và khẳng định Giáp có tội, nếu thuê ông ta chỉ tốn kém mà không thể thay đổi gì. “Em có “làm” thật, thì nên chấp nhận trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật, đừng cố cãi chày cãi cối mà tiền mất tật mang”.
“Không ngờ, nghe tôi nói đến đó, Giáp uất ức khóc thét lên. Nó bảo, thôi thì nó tha thiết năn nỉ cho nó gặp luật sư một lần, để nó giãi bày hết những oan trái. Nếu không được như vậy, nó cắn lưỡi mà chết vì quá oan ức”, chị Thơm thuật lại.
Chị Thơm kể, thương đứa em đang phải ngồi trong trại giam đã đành, lại còn bị người yêu “ngoảnh mặt” hận thù. Chị kể sau khi Phương sinh con (cũng là cháu của chị), Phương vẫn thường điện thoại nói chuyện với chị rất tình cảm. Chị cũng mấy lần về Đồng Hới thăm cháu và được Phương tiếp đón chu đáo.
Tuy nhiên, mỗi lần chị Thơm nhắc đến Giáp, Phương lại tỏ vẻ lạnh nhạt, thù hận. “Người mình trải hết lòng để yêu thương, không tiếc gì cả mà lại đang tâm “phản” mình như rứa, nếu là tui thì tui giết luôn chứ chẳng chơi. Nó (Phương) có tâm lý như vậy, tui cũng rất thông cảm”, chị thở dài.
Hi vọng của gia đình chị Thơm là vụ án được cấp phúc thẩm làm sáng tỏ. Nếu Giáp bị oan có nghĩa cậu ta thoát cảnh tù tội và quan trọng hơn người phụ nữ đã trao tình cảm và đời con gái cho cậu ta lấy lại được tình yêu, niềm tin.
Nguồn baomoi.com